Bốn thiên niên kỷ đã trôi qua kể từ khi Dabitum, người con gái tôi tớ bị phụ bạc gửi gắm tâm tư của mình đến người tình và cũng là ông chủ.
"Nữ nô Dabitum hèn mọn xin kính cẩn thưa với đại chủ rằng điều thiếp nói trước với chàng nay đã xảy ra. Từ bảy tháng nay, tội nghiệp đứa con nhỏ đã chết mà không ai muốn lo cho thiếp cả. Xin chàng hãy thương hại mà ra tay, nếu không thiếp sẽ chết. Nếu số phận buộc thiếp phải chết thì thiếp cũng cam chịu, nhưng trước khi nhắm mắt, thiếp chỉ mong sao được nhìn thấy mặt chàng lần cuối.”
Ngày nay, sở dĩ chúng ta vẫn có thể hiểu được tâm trạng của một thiếu nữ đã sống cách đây 4 ngàn năm, vẫn có thể thương cảm cho tình cảnh của nàng - bởi vì nàng đã dùng một phương tiện truyền thông độc đáo - đó là chữ viết có đã trên 5 ngàn năm.
Chữ viết đầu tiên
Chữ viết chắc chắn là một bước khởi đầu cho nền văn minh. Khi nàng Dabitum viết ra những hàng chữ tuyệt vọng đó thì văn tự đã hiện hữu trong nền văn hóa Nam Lưỡng Hà hơn một thiên niên kỷ.Lưỡng Hà, tiếng Âu châu là Mesopotamia, ngụ ý miền nằm giữa hai con sông. Ðó là sông Tigris và Euphrates nằm trong vùng mà nay là lãnh thổ Iraq. Di sản văn tự của nền văn hoá cổ xưa này được để lại nhiều hơn là những gì của các giai đoạn về sau.
Người Lưỡng Hà viết bằng cách dùng một cái que để khắc hình hay dấu vào một mảnh đất sét còn dẻo chỉ nhỏ bằng bàn tay. Một khi đã được phơi khô hay nung, những văn tự bằng đất sét này rất bền.
Theo chuyên gia Irving Finkel ở Viện Bảo Tàng Anh Quốc, những nổ lực ghi chép đầu tiên chưa thực sự có thể gọi là văn tự. “Ban đầu, khái niệm ghi chép rất là đơn giản. Ta có thể gọi đó là giai đoạn ' tiền văn tự' . Người Lưỡng Hà cổ đại thường vẽ hình ảnh sơ sài để tượng trưng những gì mà họ muốn ghi chép.”
“Chẳng hạn như khi muốn lập một danh sách các chum vại, họ cẩn thận vẽ hình cái chum trên một mảnh đất sét, rồi viết cạnh đó một con số. Mãi sau này mới có người chợt nghĩ ra là hình ảnh không những có thể chỉ vật đó mà còn diễn tả tên vật đó trong tiếng nói.”
Như vậy, giả dụ tiếng Lưỡng Hà là tiếng Việt, ta có thể vẽ một cái ấm, và dùng cái đó để chỉ ra âm thanh ' ấm' như trong chữ ' ấm ớ' - tức là không có liên hệ gì với ấm nước cả. Người đầu tiên nghĩ ra việc dùng chữ chỉ tiếng gọi của một vật thay vì dùng hình ảnh của chính vật đó để mô tả nó chính là một thiên tài vĩ đại đã đóng góp lớn lao cho nền văn minh.
Người này chắc hẳn thuộc dân tộc Sumer, vì Sumer nằm trong vùng Lưỡng Hà - nơi văn tự đầu tiên xuất hiện trong một ngôn ngữ gọi là tiếng Sumer. Nay ngôn ngữ học gọi văn tự của người Sumer là cuneiform - tdl là văn tự hình góc, vì chữ cunei của tiếng La tinh có nghĩa là một góc.
Cũng học giả Irving Finkel cho biết, “Khi người Sumer bắt đầu dùng chữ viết, họ dùng rất nhiều đường cong. Nếu muốn viết chữ heo, họ vẽ một cái hình tiêu biểu là cái mõm, hai vành tai rồi vài sợi lông tua tủa. Nhưng đất sét không phải là một cái nền tốt để vẽ các đường cong."
" Thành ra chẳng bao lâu các đường cong được quy ước hóa thành những đường thẳng mà người ta có thể nhanh chóng khắc hay nhấn vào đất sét bằng một cái que. Và văn tự hình góc phát triển theo lối đó.”
Thoạt đầu, văn tự này được tạo ra không phải để viết thư hoặc để sáng tác một tác phẩm văn học. Nên biết chữ viết phát sinh từ hệ thống thư lại. Các nha lại - nôm na là thành phần thư ký kế toán - từ thời cổ đại đã muốn dùng ký tự để quản lý kinh tế hữu hiệu hơn - vì nhờ ký tự mà họ có thể kiểm soát các số liệu và lập ra những danh sách.
Theo học giả Irving Finkel, những chứng tích cổ nhất về chữ viết còn tồn tại đến ngày nay là những bản kiểm kê tồn kho. “Nhưng chẳng bao lâu sau khi chữ viết được phát minh, người ta bắt đầu dùng nó vào các việc khác và ta thấy xuất hiện những văn bản nằm ngoài phạm vi hành chánh - đầu tiên là danh sách từ ngữ được thu lượm để dạy học và chẳng bao lâu sau đó, nền văn chương sơ khai dựa trên chữ viết bắt đầu ló dạng.”
Đào tạo thư lại
Trong nền văn minh Sumer, những bản từ vựng được soạn ra cốt để dạy các thiếu niên trở thành thư lại - đó là thành phần duy nhất trong xã hội Sumer biết đọc và viết. Ngay cả các vua chúa Sumer cũng hiếm có người biết chữ.
Các trường dạy thư lại thời đó đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta biết kỷ luật tại các trường này rất nghiêm khắc vì những cậu học trò tại đây đã từng kể lại những kinh nghiệm của họ qua chữ viết.
Ðây là một đoạn trích từ nhật ký của một cậu học trò Sumer vào khoảng năm 2000 trước Công Nguyên (B.C. )
“Buổi sáng tôi dậy sớm. Nhìn mẹ tôi nói: ‘Mẹ cho con đem gì theo để ăn trưa, con muốn đi đến trường’. Mẹ đưa cho tôi hai cái bánh và tôi lên đường. Mẹ cho tôi hai cái bánh và thế là tôi đi học. Ðến trường, thầy giám thị hỏi: ‘Sao con đến trễ?’ Tôi sợ quá, tim đập thình thình, tôi lật đật đi vào lớp trước cả ông thầy.”
Giới thư lại Lưỡng Hà đã không tìm cách đơn giản hóa chuyện viết lách để khiến cho nhiều người có thể biết chữ hơn. Có thể là nhờ thói dấu nghề đó mà ít ai có thể cạnh tranh với họ về toán và viết.
Toán học
Người Sumer thời đó không có các mẫu tự để học. Mẫu tự chỉ xuất hiện mãi về sau vào khoảng năm 1000 B.C., tại vùng đất mà hiện nay là Syria. Nhưng học trình cho thư lại Sumer có cả môn toán cùng với môn đọc và viết. Bà Eleanor Robson thuộc trường đại học Oxford ở Anh Quốc giải thích rằng người Lưỡng Hà đếm theo hệ lục thập phân thay vì thập phân như chúng ta ngày nay.
“Chúng ta còn thấy tàn dư của hệ lục thập phân này qua cách chúng ta tính thời gian - tức là 60 giây một phút và 60 phút một giờ. Và từ Lưỡng Hà cách đếm này đã đến với chúng ta một cách gián tiếp qua ngả thiên văn học của Hy Lạp.”
Ngày nay chúng ta dùng 10 ký hiệu từ " 0" đến " 9" để viết các con số, nhưng người Sumer chỉ dùng hai ký hiệu mà thôi. Ðể viết con số 24 chẳng hạn họ vẽ hai mũi tên quay về phía trái để chỉ 20, rồi 4 vạch hình cọc thẳng để chỉ số 4. Ngoài mũi tên và cọc, họ không có một ký hiệu nào khác - không có dấu nhân, cũng không có ký hiệu đại số.
Người Lưỡng Hà đã biết đến đại số học - thậm chí họ có thể giải cả phương trình với hai hoặc ba ẩn số nhưng tất cả đều được viết ra thành văn. Những phiến đất sét để lại từ thời 2000 năm trước Công Nguyên cho thấy các bài tóan mà học trò thời đó phải giải.
Bà Eleanor Robson nhận xét có những bài toán của người Lưỡng Hà rất đáng chú ý - chẳng hạn như tính thể tích từ kích thước và hình dạng của một đống thóc. Ðó là những bài toán thực dụng. Họ cũng tính toán bằng phân số hay tỉ số. Nhưng cũng có những bài toán mà mục đích thuần túy là để tìm hiểu những logic của toán học.
Ðiều đáng lưu ý nhất là họ phân biệt những bài toán thực tiễn và những bài toán lý thuyết. Dường như giới thư lại Sumer quan tâm đến toán học vì mê thích cái logic chứ không phải chỉ vì lợi ích thực tiễn của nó mà thôi. Rõ ràng đó là một dấu hiệu của văn minh.
Nhưng học giả Irving Finkel thì cho rằng giới thư lại còn có một sở trường khác. “Họ luôn luôn ham thích những ngôn từ kỹ thuật. Ngay từ đầu họ đã soạn ra những quyển tự điển và họ luôn luôn luôn quan tâm đến góp nhặt ghi chú các từ ngữ và cách sử dụng cũng như phiên dịch chúng.”
Bà Eleanor Robson cho biết các thư lại ứng dụng toán vào đo lường. “Ðó là khả năng cơ bản để quản lý nhân công và vật liệu ở tầm mức lớn. Tỷ như khi cần phải đào lại một con kênh, một nhà trắc địa phải đo đạc rồi tính toán để suy ra con số dân phu phải thuê.”
“Rồi mỗi năm, tất cả công việc lại được thư lại tổng kê, để xem dân phu có làm đủ công hay chưa. Giới chủ nhân Lưỡng Hà cũng khôn lắm - nếu năm nay làm chưa đủ, thì dân phu phải làm bù trong năm tới, nhưng nếu năm nay họ làm quá mức thì họ ráng chịu - tức là năm tới không được nghỉ bù.”
Ngoại ngữ
Chữ viết lần đầu tiên được thông dịch sang một ngôn ngữ khác khi một tộc bộ Akkad thuộc giống nòi Semit đến Sumer. Người Akkad có một tiếng nói khác với người Sumer.
Một số thư lại tại Lưỡng Hà chắc hẳn phải biết cả hai thứ tiếng - nhất là kể từ khi tiếng Akkad trở thành tiếng nói thường ngày của đại chúng, và tiếng Sumer chỉ còn là ngôn ngữ của sách vở và tôn giáo.
Theo học giả Irving Finkel thành phần thư lại Lưỡng Hà nổi tiếng là có tài quan sát. “Quan sát là một điểm mạnh của họ - từ quan sát bệnh tật đến quan sát các vì sao - và họ còn ghi lại cẩn thận những gì thấy được. Các ghi chép của họ về sự di chuyển của các hành tinh quả thật là chính xác, vô cùng tỉ mỉ.”
Lao động
Đào kênh khơi ngòi là một công việc sống còn đối với một dân tộc cần phải có nguồn nước của các sông Tigris và Euphrates để tưới những cánh đồng khô cằn của họ. Quan hệ lao động trong mấy ngàn năm qua cũng không thay đổi gì mấy.
Học giả Jeremy Black thuộc trường đại học Oxford cho biết tầm quan trọng của các công trình này được phản ảnh qua văn học Lưỡng Hà, nhất là trong huyền thoại sáng thế của họ.
“Trong huyền thoại của người Lưỡng Hà, họ, các vị thần trẻ được mô tả như là những công nhân vô kỷ luật bị đưa đi lao động ở những công trường xây dựng, như được mô tả trong bài thơ ATRAHASIS.
Thiên thần lam lũ
đào kênh khơi ngòi
khai thông huyết mạch
làm đất phì nhiêu
đào sông Tigris
vét dòng Euphrates
Thiên thần nhọc mệt
đếm ngày đếm tháng
hơn ba ngàn năm
đêm đêm ngày ngày
kêu lơn cải cọ
còn đất còn đào
Thấy các thiên thần quá khổ cực, Thượng Ðế bèn tạo ra con người để gánh bớt cái nợ đời cho họ. Huyền thoại sáng thế này còn phản ánh thời tiết, địa dư và sinh thái của vùng Lưỡng Hà nữa. Tỉ như truyền thuyết về lụt lội. Sông Tigris có thể gây ra những trận lụt khổng lồ vào mùa xuân. Vùng Lưỡng Hà mà nay là Iraq vốn rất bằng phẳng, thành ra nước sông không cần phải dâng cao lắm cũng có thể làm ngập toàn bộ vùng đất này".
Theo giáo sư Nicholas Postgate thuộc Ðại học Cambridge, có một giả thuyết cho rằng sở dỉ nền văn minh lại phát triển tại miền Nam Lưỡng Hà cũng như tại các nền văn minh cổ sơ khác như Ai Cập và Trung Quốc - là vì nhu cầu về nguồn nước của nông nghiệp.
“Nông nghiệp càng phát triển thì càng cần phải có một cơ cấu hành chánh. Và văn minh nẩy sinh từ hệ thống hành chánh. Nhưng lúc gần đây các nhà nhân chủng và khảo cổ lại cho rằng vùng Nam Lưỡng Hà chỉ cần một hệ thống thủy lợi cỡ nhỏ cũng đủ để thỏa mãn nhu cầu của họ. Nếu điều đó là đúng thì có lẽ xã hội đã trở nên phồn thịnh trước, rồi cơ cấu hành chánh phức tạp mới theo sau.”
Văn minh
Từ " văn minh" như chúng ta biết có thể bao hàm các giá trị tinh thần cũng như vật chất. Về vật chất, nhờ văn minh mà cuộc sống được phồn thịnh hơn, xã hội được cai quản tốt hơn. Chữ viết cũng đã có vai trò trong chiến tranh. Trong số những văn bản cổ xưa đến từ Lưỡng Hà có một báo cáo của một chỉ huy trình lên cấp trên:
“Ðã năm ngày nay bề tôi đóng ở chỗ như đã thoả thuận để chờ cho đám quân từ Hana tới, nhưng họ không chịu tập trung dưới cờ. Vậy rất mong tướng quân chấp thuận cho bề tôi đem một số phạm nhân trong ngục ra chém đầu để bêu chung quanh doanh trại để cho các binh sĩ kinh sợ mà mau chóng tập trung lại.”Dân Lưỡng Hà khá hiếu chiến và có vẻ cũng chẳng xem trọng tính mạng con người hơn những dân tộc cổ đại khác.
Nhưng trong xã hội Lưỡng Hà vẫn có một cái gì đó mà ta có thể gọi là văn minh được.
Chẳng hạn như có các vì vua đã dựng lên những tấm bia ghi lời tuyên bố cấm người giàu bóc lột người nghèo. Ðôi khi họ còn giúp đỡ dân nghèo bằng cách xóa nợ.
Nhờ đó mà nhiều trẻ em bị đưa đi làm nô lệ đã được sớm về đoàn tụ với gia đình. Hành động nhân đạo đó đã được ghi lại trong các chiếu dụ của vua chúa Lưỡng Hà hồi 2400-2350 B.C
Các từ ngữ nói lên các giá trị văn minh xuất hiện trong đủ mọi thứ văn bản của thời đó. Giáo sư Jeremy Black thuộc đại học Oxford đơn cử chữ ' nhân bản' có từ thời Lưỡng Hà.
“Trong một luận văn viết theo thể đối thoại mà các học trò thời đó phải học, ông thầy nói với học trò như thế này: ‘Ta đã cho con tất cả những gì con có. Khi con đến với ta, con như một con chó con chưa mở mắt. Ta đã giúp con nên người, ta đã cho con ' nhân bản’... Ðoạn văn này đã dùng đúng chữ ' nhân bản' - danh từ trừu tượng chỉ đức tính của con người. Và đó ắt hẳn là một cái gì tương tự như khái niệm của chúng ta về một giá trị văn minh.”
Những khái niệm trừu tượng
Có một từ trong tiếng Sumer, một danh từ số nhiều, gọi là " me" rất khó dịch sang một thứ tiếng khác. ‘Me’ là sức mạnh điều hành vạn vật - kể cả văn minh của con người.
Ðôi khi " me" được mô tả như là một cái gì rất cụ thể - chẳng hạn như một ngôi đền hay một xã hội văn minh vì lý do nào đó bị suy đồi thì người ta nói cái " me" của chúng bị gom lại và vứt một xó như là một đống dụng cụ vô dụng.
Nhưng đôi khi " me" cũng được liệt kê ra thành một danh sách, bao gồm công lý, trí khôn, hoà bình, chiến tranh, tiếng nói và yên lặng... như thể chúng là những yếu tố cấu thành của văn minh.Và ' me' còn bao gồm vương chế và các cấp bậc tôn giáo, cùng những cơ cấu vô hình cần phải bảo trì.
Trách nhiệm của nhà vua và các vị thần thánh là điều hành mọi chuyện sao cho đúng để bồi dưỡng cái ' me' của xã hội và vũ trụ. Ðiều đó cho thấy người Lưỡng Hà xem văn minh là một cái gì rất mong manh mà sự tồn tại tùy thuộc vào ý chí và đạo đức của con người.
Văn hóa thành thị
Tại Lưỡng Hà, các đơn vị tổ chức chính trị đầu tiên là thành phố. Di tích các thành phố cổ hơn Lưỡng Hà đã được tìm thấy tại các nơi khác ở Trung Ðông, nhưng không đâu có thể so sánh được với sự phổ biến của các thành thị này tại vùng đồng bằng Nam Lưỡng Hà.
Chính văn hoá thị thành này có vẻ đã tạo ra những triển vọng mới cho loài người. Dù sao chăng nữa danh từ văn minh mà ta dùng để dịch chữ ‘civilisation’ của tiếng Anh vốn bắt nguồn từ chữ La tinh " civis" có nghĩa là một người dân thành thị.
Giáo sư Nichola Postgate thuộc đại học Cambridge giải thích mỗi thành thị Lưỡng Hà có một vị thần đở đầu. “Thần này ủy quyền cho một nhà chức trách để thay thần trông lo cho dân chúng."
" Ðôi khi người lãnh đạo này được mô tả như một người chăn cừu, mà chủ của bầy cừu là vị thần đở đầu, còn dân chúng tất nhiên là bầy cừu.”
“Mỗi thành phố có một huyền thoại như thế. Khi thành phố tập hợp lại thành một vương quốc thì người cai trị tối cao là vua. Vào khoảng các năm 2700, 2600 B.C. hay muộn hơn có một vị vua tên là Kish - người nắm quyền kiểm soát một số các đô thị Lưỡng Hà nhưng không nhân danh thần thánh nào cả.
“Lại có một thành phố khác mà có vẻ như được coi là trung tâm tôn giáo của Nam Lưỡng Hà - đó là Nippur. Người cai trị Nippur hầu như không bao giờ có quyền lực chính trị, nhưng lại được chấp nhận là lãnh tụ tinh thần của toàn bộ Nam Lưỡng Hà.”
Sau này, thành phố nổi tiếng nhất Lưỡng Hà là Babylon đã trở nên một trung tâm quyền lực. Tất cả các thành phố của vùng Lưỡng Hà đều sống nhờ vào nông phẩm thặng dư do các vùng quê chung quanh sản xuất. Việc phát minh ra một lưỡi cầy mới đã khiến cho Lưỡng Hà phồn thịnh về kinh tế và nhờ vậy đóng góp vào việc tạo dựng nền văn minh.
Văn học
Văn học Lưỡng Hà có những vần thơ tuyệt đẹp về khung cảnh đồng nội. Trong bài thơ sau đây, khi tân lang của nữ thần Inanna được các người hầu gái dẫn vào chiếc giường hợp cẩn, họ thỏ thẻ bên tai chàng như thế này:
Mong chàng...
như một nông phu - vun xới cánh đồng
... như một kẻ chăn cừu - con chiên đầy đàn
Mong thay...
Trên giàn nho trổ thành chùm
Ngoài đồng lúa mạch trổ bông
Dưới sông cá chép tung tăng
Trong đầm chim cò ríu rít
Trong gió bải sậy rì rào
Mong thay...
Sa mạc đón mừng cây cỏ
Rừng rú vui vầy hươu nai
Những thửa vườn xanh mát
sẽ cho mật ngon rượu nồng
... và rau tươi trái ngọt ê hề
Mong thay...
với đức độ của chàng
đời sống hoàng cung
sẽ trở thành vĩnh cửu...
Trong văn chương Lưỡng Hà, chất văn minh rỏ nét nhất là những quan tâm đối với thân phận con người, cũng như khả năng biến những quan tâm này thành những tác phẩm văn học có phẫm chất cao.
Tất cả những tình cảm hỉ nộ ái ố được mô tả trong văn học Lưỡng Hà đã làm người ta ngạc nhiên vì cho dù hơn 4 ngàn năm đã trôi qua, chúng vẫn rất gần gủi với con người đương đại.
Nền văn minh Lưỡng Hà là mốc cổ xưa nhất - mà di tích còn cho phép chúng ta tiếp cận được qua văn tự. Nếu đúng như ước đoán, ngôn ngữ con người đã hiện hữu cách đây khoảng một triệu năm. Nếu tính kể từ thời Lưỡng Hà cách đây khoảng 4, 5 ngàn năm, trên nhiều phương diện, người Sumer rất giống chúng ta.
Trần Hạnh phóng viên BBC
Nguồn: http://quehuongta.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2488:nn-vn-minh-nhan-loi-lng-ha&catid=76:vn-minh-nhan-loi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét